Những kết quả đạt được
- Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về cung ứng dịch vụ thực phẩm, khách sạn
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm
- Dự kiến từ ngày 14 – 18/12 diễn ra “Ngày hội sản phẩm đặc trưng nổi tiếng An Giang và các vùng, miền năm 2023” tại TP. Châu Đốc
- Regal Legend tái định nghĩa về điểm đến Luxury Vacation toàn cầu
- Gìn giữ không gian kiến trúc cảnh quan Du Già, tạo động lực cho phát triển du lịch
Hội nhập quốc tế là thực tiễn khách quan, là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tỉnh Quảng Nam có lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế từ rất sớm với thương cảng Hội An (nổi tiếng vào thế kỷ XVI, XVII); cùng với lợi thế về di sản văn hóa đa dạng, tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên, con người và truyền thống lịch sử của quê hương; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn coi trọng công tác đối ngoại, tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhiều địa phương của các quốc gia và đối tác nước ngoài bằng thiện chí hợp tác chân thành theo phương châm “chủ động và tích cực”. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc quan điểm, xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế; tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 22-NQ/TW) và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phục vụ quá trình xây dựng tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển.
Bạn đang xem: Hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Nam – Những kết quả nổi bật và phương hướng cho giai đoạn tới
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thiết lập, ký kết quan hệ hợp tác, hữu nghị với 12 địa phương, đối tác của các quốc gia trên thế giới(1). Công tác thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời định hướng thông tin tuyên truyền đối ngoại. Ngoài việc sản xuất tin, bài bằng tiếng Anh trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh còn có 320 đoàn với gần 1.500 phóng viên báo chí nước ngoài được cấp phép đến hoạt động tại tỉnh, góp phần đưa tin, bài tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, thương hiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, du lịch, con người xứ Quảng và thực hiện phóng sự về văn hóa, ẩm thực, du lịch tại thành phố Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; các dự án viện trợ nhân đạo, tình hình đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè trên thế giới. Thiết kế, in ấn, phát hành hàng vạn ấn phẩm các loại, sách hướng dẫn du lịch, bản đồ, tập gấp, tờ rơi, tập sách ảnh; giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh Quảng Nam bằng nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga trên các trang web về du lịch, các nền tảng mạng xã hội.
Xác định rõ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung quan trọng để cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, cử cán bộ tham gia đào tạo sau đại học tại Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Ấn Độ; tham gia các khóa đào tạo tiếng Lào tại Trường Đại học Chămpasak, tỉnh Chămpasak (Lào); các khóa đào tạo, tập huấn tại một số nước, vùng lãnh thổ, như I-xra-en, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc); tiếp nhận giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy tại các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân trong quá trình đi lại, giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài thuộc khối APEC, tỉnh đã cho phép 200 doanh nhân đang làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card – ABTC).
Với quan điểm hội nhập kinh tế là trọng tâm, công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh đặc biệt chú trọng, trong thời gian qua, tỉnh đã tiến hành xây dựng dự án Ứng dụng công nghệ GIS trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Lãnh đạo tỉnh tiếp, làm việc với các đoàn khách quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác quan trọng, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Xin-ga-po, Niu Di-lân, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Hàn Quốc,… đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư; trong đó, có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, như Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Amann (Đức), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Zuru (Niu Di-lân), Tập đoàn WHA Industrial Development (Thái Lan), Panko (Hàn Quốc)…
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn: Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuyến đường sắt Bắc – Nam (đoạn qua tỉnh Quảng Nam); nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông; cảng Kỳ Hà – Tam Hiệp đủ điều kiện đón tàu đến 20.000 tấn và đang được đầu tư nâng cấp lên 30.000 tấn với hạ tầng logistics đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển đi các địa phương trong nước và quốc tế. Sân bay Chu Lai được đầu tư có khả năng phục vụ các loại máy bay có trọng tải lớn, như Boeing, Airbus,… Trong tương lai, sẽ phục vụ các tuyến bay quốc tế trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ hình thành tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây từ Thái Lan, Lào về miền Trung Việt Nam.

Hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cải thiện theo chiều hướng giảm tỷ trọng thương phẩm thô, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến. Trong giai đoạn 2013 – 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 25 triệu USD, tăng trưởng bình quân 13,5%/năm.
Xem thêm : Những tư liệu quý và hành trình phát triển của thành phố thủ phủ
Trong điều kiện nguồn lực của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển, tỉnh Quảng Nam xác định nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) là một trong những nguồn vốn đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế – xã hội, từ đó tỉnh đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức nước ngoài nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn viện trợ PCPNN để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; công trình thủy lợi; hạ tầng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; cấp thoát nước, bảo vệ môi trường. Cấp phép cho các tổ chức PCPNN hoạt động trên lĩnh vực phát triển bền vững, nâng cao năng lực sản xuất cộng đồng; hỗ trợ trang thiết bị y tế tuyến cơ sở; tăng cường chất lượng giáo dục và hỗ trợ các đối tượng yếu thế, như trẻ em mồ côi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người dân nghèo, người dân tộc thiểu số,…
Tính đến tháng 4-2023, toàn tỉnh có 34 dự án sử dụng vốn nước ngoài (bao gồm các dự án vốn viện trợ không hoàn lại có sử dụng ngân sách tỉnh đối ứng) với tổng mức đầu tư 13.398,9 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 194 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD; trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với 57 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 800 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) với 15 dự án, tổng vốn đăng ký là hơn 200 triệu USD; Nhật Bản với 18 dự án, tổng vốn đăng ký là hơn 139 triệu USD,… Trên 100 tổ chức PCPNN và 130 tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động viện trợ với tổng nguồn viện trợ giữ ổn định bình quân khoảng 180 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh còn tiếp nhận nhiều khoản viện trợ phi dự án là các chương trình tình nguyện viên, hỗ trợ của chuyên gia thuộc các tổ chức PCPNN đến hoạt động nhân đạo.
Thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, giúp nhà đầu tư trong nước có cơ hội hợp tác chiến lược với doanh nghiệp nước ngoài. Một số dự án quy mô lớn đã cấp phép, như dự án Khu nghỉ dưỡng và bất động sản của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An với tổng vốn đăng ký đầu tư 4 tỷ USD; dự án Sản xuất, tiếp thị và phân phối bia của Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam – Quảng Nam với tổng vốn đầu đăng ký tư 72,28 triệu USD; dự án Nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng với tổng vốn đăng ký đầu tư 70 triệu USD. Đáng chú ý là Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải ký thỏa thuận đầu tư và cùng hợp tác với Tập đoàn ô tô Mazda để đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô Mazda Chu Lai (vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD), ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Huyndai chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ; liên doanh các nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận đầu tư 10 tỷ USD.
Một trong những kết quả nổi bật đó là tỉnh Quảng Nam đã chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch và ngoại giao văn hóa, qua đó, ngày càng khẳng định vai trò nền tảng tinh thần trong hoạt động đối ngoại của tỉnh; công tác đối ngoại nhân dân có nhiều điểm nhấn đặc biệt, thúc đẩy tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Quảng Nam và nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới; thông qua đó, tỉnh đã tích cực quảng bá văn hóa, vùng đất, con người Quảng Nam đến với bạn bè quốc tế, tăng cường hiểu biết và tạo lòng tin cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Quảng Nam với các đối tác, địa phương nước ngoài; thu hút khách quốc tế đến tham quan, du lịch tại tỉnh; đồng thời, tiếp thu chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại nhằm bổ sung, làm giàu văn hóa địa phương, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân.
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm, thực hiện. Năm 2021, tỉnh đã triển khai thực hiện khảo sát, cập nhật số liệu người Việt Nam gốc Quảng Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài làm cơ sở, căn cứ trong việc định hướng, xây dựng các chương trình hành động thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và vận động viện trợ PCPNN được quản lý chặt chẽ; nhiệm vụ quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam vinh dự được đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội, hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế(2). Song song với việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực kinh tế – xã hội, việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh luôn được tỉnh Quảng Nam chú trọng; đã tập trung hợp tác, giải quyết tốt vấn đề người di cư tự do và kết hôn ngoài giá thú ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh trên tuyến biên giới, góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Phương hướng trong thời gian tới
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia – dân tộc”(3). Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó dự báo, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xu hướng hình thành cục diện đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc ngày càng rõ hơn, tác động sâu rộng và toàn diện đến cục diện thế giới, khu vực, quan hệ quốc tế và sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương về hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Quảng Nam xác định phương hướng hành động của quá trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đó là:
Xem thêm : Nhiều khu du lịch nổi tiếng phía Nam “hút khách” dịp lễ 30/4 và 1/5
Trước hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn hội nhập quốc tế hiệu quả phải giữ vững độc lập, tự chủ; muốn củng cố, tăng cường và phát huy độc lập, tự chủ phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Từ đó, xác định rõ định hướng: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao với tinh thần như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Thứ ba, xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, do đó hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội. Hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ, có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực của tỉnh. Mặt khác, chú trọng huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài gắn với nguồn lực nội tại để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của địa phương; đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa địa phương với các đối tác. Chủ động mở rộng giao lưu, đối ngoại nhân dân, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới; bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các trường hợp tàu thuyền gặp nạn trên vùng biển quốc tế.
Thứ năm, chú trọng lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế#- xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh tại địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược.
Chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Đảng ta đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi khách quan của thực tiễn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về vấn đề hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Vì vậy, với định hướng nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được; kịp thời nắm bắt, tận dụng thời cơ, nỗ lực, quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn; vận dụng sáng tạo quan điểm về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả; đồng thời, cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để tỉnh Quảng Nam từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030./.
————————–
(1) Bao gồm: tỉnh Sê Kông, tỉnh Chămpasak (Lào), thành phố Osan, thành phố Yongin, thành phố Gwangyang, Trường Đại học nữ sinh Dongduk (Hàn Quốc), tỉnh Moghilev (Bê-la-rút), tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), tỉnh Nagasaki, thành phố Kinokawa (Nhật Bản), Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và 4 địa phương (Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Nam Trà My) xúc tiến và chính thức thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác, địa phương của Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Đức, Hungary
(2) Như: Festival Di sản Quảng Nam; các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Năm APEC Việt Nam 2017; Hội thi Hợp xướng Quốc tế tại Hội An; Lễ Khai mạc, Bế mạc Năm Du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2022; Diễn đàn du lịch Mê Công 2022, Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa – Thông tin ASEAN 2022; Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 4-TechFest Quang Nam 2023 và nhiều sự kiện thể thao quốc tế, như Giải Bóng chuyền nữ, đua xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen; sự kiện thể thao quốc tế Raid Amazones; “Giải Taekwondo – Cúp Đại sứ Hàn Quốc”; Giải chạy “Hội An Discovery Marathon… đã thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với truyền thông và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam tích cực tham gia các chương trình, hội chợ, lễ hội du lịch tại các quốc gia trên thế giới, như Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản; “Ngày Nhân dân thành phố Osan lần thứ 30”, “Lễ Khai mạc Đại hội Thể dục nhân dân thành phố Osan” tại Hàn Quốc; “Những ngày văn hóa Hội An tại Pari”… Các hội chợ, triển lãm du lịch tại Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Đức, Xin-ga-po, Cộng hòa A-déc-bai-gian…
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 164
Nguồn: https://phuottuoitre.com
Danh mục: Các Điểm du lịch